Ngành BHXH Việt Nam: Chủ động góp phần xây nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

20/11/2024 01:40 PM


Mới đây, chủ đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo quan điểm của GS-TS.Tô Lâm- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được đông đảo các cấp, các ngành, địa phương quan tâm nghiên cứu và bàn giải pháp thực hiện. Từ góc độ cơ quan tổ chức và thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT- là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã trao đổi với Tạp chí BHXH về chủ đề quan trọng này.

* Phóng viên: Thưa Tổng Giám đốc, kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cho thấy khát vọng to lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc đưa nước ta ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh. Tổng Giám đốc có thể chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về chủ đề này?

- Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh:

Trước hết, có thể nhận thấy rõ, đây là một chủ đề rất lớn, được Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết. Sau gần 80 năm thành lập nước, 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc (P5), là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Hiện nay, đất nước ta vẫn đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới những mục tiêu phát triển mang tầm chiến lược, tiếp tục phát huy các thành quả cách mạng qua gần 80 năm thành lập nước và 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước mắt, cả nước cũng đang vượt những khó khăn, thách thức của năm 2024, nỗ lực phấn đấu, thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trong bối cảnh đó, chủ đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở có tính định hướng chiến lược, mang nhiều ý nghĩa lịch sử; là kim chỉ nam để các cấp, các ngành, các tổ chức Đảng… cùng nhìn nhận, nghiên cứu sâu hơn, nhất là cụ thể hóa thành phương châm hành động, thành mục tiêu trong phương hướng, nhiệm vụ ở giai đoạn tiếp theo. Cần phải nhấn mạnh rằng, đây là chủ đề sinh hoạt chính trị mang nhiều giá trị và rất có ý nghĩa trong bối cảnh chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Với ý nghĩa đó, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam, Đảng ủy cơ quan và Lãnh đạo BHXH Việt Nam bày tỏ sự tâm đắc, nhận thức sâu sắc về những quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dâu giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho rằng, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.

Quan điểm, định hướng chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta như một chỉ lệnh, xác định mục tiêu chiến lược để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nỗ lực, phát huy thành quả cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị tiền bối đã dày công gây dựng.

* Thưa Tổng Giám đốc, nhìn nhận chủ đề trên gắn với các quan điểm, định hướng phát triển BHXH, BHYT ở nước ta là minh chứng rõ nhất cho quan điểm của Đảng là chăm lo an sinh cho người dân luôn đi trước một bước, từ sớm, từ xa, là điểm tự bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc?

- Đảng, Nhà nước ta luôn không ngừng chăm lo đời sống người dân, coi an sinh xã hội là đích đến, là một trong những thành quả của sự nghiệp cách mạng, của quá trình đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội. Minh chứng cho điều này là quan điểm thực hiện BHXH, BHYT nói chung, đặc biệt là mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân từng bước được Đảng ta hoàn thiện cả về mặt lý luận và thực tiễn; được khẳng định toàn diện nhất trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới…

Ngành BHXH Việt Nam thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số và ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng phục vụ

Để mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, trước hết, mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân phải được thực hiện thật tốt. Cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của chính sách BHXH, BHYT- trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là cơ chế quan trọng để bù đắp, hỗ trợ thu nhập cho người dân trong những hoàn cảnh khó khăn như ốm đau, tai nạn lao động, mất việc làm, già yếu…

Quan điểm này có thể được thấy rõ, minh chứng từ thực tiễn phát triển ở nước ta cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngay cả với những nước có mức thu nhập bình quân đầu người rất cao, cơ chế tích lũy, phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe bằng BHXH, BHYT vẫn rất thiết thực. Thực trạng già hóa dân số hay sự phát triển khoa học công nghệ dẫn đến những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, sự gia tăng chi phí y tế… càng khẳng định bản chất nhân văn, tính chất chia sẻ xã hội, tính khoa học đúng đắn, hợp lý theo nguyên tắc “đóng-hưởng” của BHXH hay nguyên lý lấy số đông bù số ít của BHYT.

Ngay cả khi đối mặt với những thách thức mang tính “phi truyền thống”, thấy rõ nhất qua đại dịch toàn cầu COVID-19, chính sách BHXH, BHYT- với nguồn lực quỹ sẵn có, càng cho thấy tính hiệu quả khi đảm bảo hỗ trỗ, bù đắp thu nhập cho NLĐ một cách hữu hiệu nhất; đồng thời giảm áp lực chi từ nguồn ngân sách nhà nước. Đây là thực tế còn nguyên tính thời sự, khẳng định tính thiết yếu của BHXH, BHYT với mọi quốc gia.

Thực tế cho thấy, càng ở quốc gia phát triển, giàu có về kinh tế, chính sách BHXH, BHYT càng trở nên quan trọng và Nhà nước càng phải chú trọng thực hiện thật tốt hai chính sách này. Ở nước ta, nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, BHXH, BHYT cũng là thành quả của công cuộc đổi mới kinh tế-xã hội, là yêu cầu tất yếu trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Do đó, thực hiện BHXH, BHYT thật tốt là giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; BHXH, BHYT hướng tới toàn dân là cơ chế đảm bảo vững chắc an sinh xã hội toàn dân, để mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, từ đó được hỗ trợ phát triển, làm giàu trong kỷ nguyên mới của đất nước.

* Việc thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước. Ngành BHXH Việt Nam đã và đang có những giải pháp gì để cụ thể hóa mạnh mẽ mục tiêu này, thưa Tổng Giám đốc?

- Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ngành BHXH Việt Nam cũng nhận thức rõ, đây là thời cơ để tạo bước “đột phá”, quyết tâm mạnh mẽ để cụ thể hóa chủ trương BHXH, BHYT toàn dân trong thực tiễn.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam thăm hỏi bệnh nhân BHYT

Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT toàn dân ngày càng được thể chế hóa mạnh mẽ. Minh chứng rõ nhất là việc Quốc hội đã thông qua Luật BHXH 2024 và tới đây là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới quan trọng. Sự nhận thức và vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương về BHXH, BHYT ngày càng tích cực; qua đó chung tay đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu về BHXH, BHYT.

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã và đang không ngừng tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn. Đáng chú ý, dù áp lực luôn tăng cao, song toàn Ngành vẫn luôn chủ động nỗ lực, đổi mới, sáng tạo tiếp tục thực hiện cải cách bộ máy theo hướng “tinh- gọn- mạnh- hiệu năng- hiệu lực- hiệu quả”.

Tính đến 31/10/2024, toàn quốc có 19,365 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 41,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó gồm 2,084 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt khoảng 4,5% lực lượng lao động trong độ tuổi do ngành BHXH Việt Nam bền bỉ, liên tục tuyên truyền, vận động. Số người tham gia BHYT đã đạt khoảng 93,937 triệu người, đạt khoảng 93,7% dân số, trong đó gồm: 47,087 triệu người tham gia BHYT do người lao động, chủ sử dụng lao động và ngân sách nhà nước đóng; 46,849 triệu người (khoảng 46,8% dân số) tự đóng một phần và toàn phần do ngành BHXH Việt Nam tuyên truyền, vận động.

Quỹ BHXH và các quỹ thành phần trở thành quỹ an sinh lớn nhất, quỹ tài chính lớn thứ hai sau ngân sách nhà nước, đảm bảo trực tiếp giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho từng người tham gia và thụ hưởng chính sách với khoảng 100 triệu dân, trong đó có trên 90% dân số hưởng BHYT, khoảng 150 triệu lượt KCB BHYT mỗi năm, với chi phí rất lớn và 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, hàng chục triệu người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn. BHXH Việt Nam đã quản lý chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, sử dụng tối ưu nguồn quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam cũng đạt được nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Theo đó, BHXH Việt Nam cũng là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; triển khai sớm, hiệu quả giao dịch điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, TTHC liên thông, thanh toán trực tuyến, triển khai ứng dụng VssID trên thiết bị di động nhằm công khai, minh bạch thông tin, cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT; xây dựng hệ thống CSDL chuyên ngành tập trung; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng cho toàn Ngành…, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, giúp giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH. Các bộ, ngành, địa phương cũng đang được hưởng lợi từ việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về bảo hiểm, góp phần vào động lực phát triển của đất nước.

Cụ thể, hạ tầng số của BHXH Việt Nam không ngừng được hoàn thiện; đã và đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung; triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng. Dữ liệu do ngành BHXH Việt Nam quản lý cũng đã được kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở KCB trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí KCB BHYT, trung bình mỗi năm tiếp nhận và xử lý hơn 174 triệu lượt hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí KCB - đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình triển khai Sổ Sức khỏe điện tử. Ngoài ra, hiện có hơn 621 nghìn DN giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, qua đó tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT…

Từ việc quản lý hiệu quả quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng như chú trọng hiện đại hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, ngành BHXH Việt Nam đã đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ mang tính thường xuyên (công tác thu, chi trả quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân). Đặc biệt, đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn trong giai đoạn COVID-19. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, đã chi trả trực tiếp đến hơn 13,3 triệu NLĐ; đồng thời giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp để hỗ trợ cho hàng trăm nghìn đơn vị SDLĐ. Tổng chi phí hỗ trợ do ngành BHXH Việt Nam thực hiện trong giai đoạn COVID-19 là trên 47.200 tỷ đồng, chiếm hơn 54,3% tổng giá trị các gói hỗ trợ của Chính phủ (87.000 tỷ đồng)…

Thành tựu về an sinh xã hội của Việt Nam cũng đã được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao so với hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. BHXH Việt Nam cũng đã đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế và hình ảnh, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực của cộng đồng an sinh xã hội quốc tế. Đến nay, BHXH Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác với gần 50 tổ chức an sinh xã hội từ 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều tổ chức quốc tế lớn như: Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); các tổ chức an sinh xã hội và đối tác song phương từ Hoa Kỳ, Pháp, Đan Mạch, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đây là những nền tảng quan trọng để ngành BHXH Việt Nam phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, tiếp tục chú trọng thực hiện tốt hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại. Đây là những yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững; góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức và DN. Từ đó, tiếp tục cụ thể hóa mạnh mẽ chủ trương BHXH, BHYT toàn dân của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng để xây dựng vững chắc hệ thống an sinh xã hội- một trong những thành tố quan trọng trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

* Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!

Tạp chí BHXH